618â23 850ờ Thứ baà 20:50 ICT Thứ ba, 28/03/2023HVT10   Sổ Liên Đội   Tài liệu tham khảo
Liên hệ nhanh
Họ tên: (*)
Email: (*)
Điện thoại: (*)
Tiêu đề: (*)
Gửi tới bộ phận:(*)
Nội dung: (*)
Mã bảo mật (*) Mã chống spam Thay mới
**Xin vui lòng điền đầy đủ những nội dung được đánh dấu sao (*)

Tra cứu Sổ Liên Đội

Tra cứu Sổ Chi Đội

CHUYÊN HIỆU ĐỘI VIÊN

Youtube HVT10

Khảo sát trực tuyến

HÌnh ảnh lưu niệm

Lưu bút HVT10

Tài liệu rèn luyện

Anh hùng tuổi thiếu niên

Đăng lúc: Thứ tư - 23/10/2013 08:01 - Người đăng bài viết: HVT10 Admin | Đã xem: 1523
GƯƠNG MẶT NHỮNG ANH HÙNG TUỔI THIẾU NIÊN ĐÃ ĐƯỢC NHÀ NƯỚC PHONG TẶNG QUA HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN
Anh hùng tuổi thiếu niên

Anh hùng tuổi thiếu niên

GƯƠNG MẶT NHỮNG ANH HÙNG TUỔI THIẾU NIÊN

ĐÃ ĐƯỢC NHÀ NƯỚC PHONG TẶNG QUA HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN

“Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng

Đến em thơ cũng hoá những anh hùng'' .

(Tố Hữu)

Trong 30 năm kháng chiến oanh liệt của dân tộc có rất nhiều thiếu niên đã góp sức vào thắng lợi huy hoàng của đất nước.

Nhưng khá đông bạn đọc mới chỉ biết đến Kim Đồng hay Vừ A Dính; Phạm Ngọc Đa hay Dương Văn Nội... Trên thực tế, những gương mặt thiếu niên anh hùng đông đảo hơn, ít nhất đã có 17 thiếu niên được Nhà nước chính thức phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang.

Chuyên đề này chạm khắc những gương mặt tiêu biểu và những chiến công chói lọi, những sự tích đáng nhớ của câu thiếu niên anh hùng, đồng thời cũng sẽ nói rõ hơn về cuộc đời 17 người con ưu tú của nhân dân - những người sống mãi ở tuổi thiếu niên:

1. Anh hùng Lưu Quý An (liệt sĩ ).

2. Anh hùng Nông Văn Dền (liệt sĩ ).

3. Anh hùng Phạm Ngọc Đa (liệt sĩ ).

4. Anh hùng Nguyễn Đăng Lành (liệt sĩ).

5. Anh hùng Dương Văn Mạnh (liệt sĩ).

6. Anh hùng Lý Văn Mưu (liệt sĩ).

7. Anh hùng Dương Văn Nội (liệt sĩ).

8. Anh hùng Hoàng Văn Thọ (liệt sĩ).

9. Anh hùng Nguyễn Minh Trung (liệt sĩ).

10. Anh hùng Bùi Thu Nội (liệt sĩ).

11. Anh hùng Trần Văn Chẩm (liệt sĩ).

12. Anh hùng Phạm Thị Đào (liệt sĩ).

13. Anh hùng Nguyễn Văn Đức (liệt sĩ).

14. Anh hùng Nguyễn Văn Kiến (liệt sĩ).

15. Anh hùng Trần Hoàng Na (liệt sĩ).

16. Anh hùng Phạm Văn Ngữ (liệt sĩ).

17. Anh hùng Hồ Văn Nhánh (liệt sĩ).

ANH HÙNG LƯU QUÝ AN (Liệt sĩ)

Anh hùng Lưu Quý An sinh ngày 21 tháng 2 năm 1940, dân tộc Kinh, quê ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Khi hy sinh, anh là chiến sĩ liên lạc của đội du kích xã.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con, Lưu Quý An cùng anh và chị phải đi làm con nuôi. Được tổ chức giáo dục, giác ngộ, năm 10 tuổi Lưu Quý An gia nhập đội du kích xã, làm liên lạc. Ngày 19 tháng 11 năm 1953, địch huy động 1 tiểu đoàn bộ binh có xe tăng hộ tống từ hướng thị xã Phúc Yên tiến về xã Tiền Phong mở một trận càn lớn. Lưu Quý An được giao nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh từ sở chỉ huy đến các hướng. Trên đường gặp địch, bị chúng bắn gãy 1 cánh tay, mặc dù bị thương, Lưu Quý An vẫn cắn răng chịu đựng, dùng lựu đạn diệt địch, kìm chân chúng để du kích ở các hướng kịp rút ra ngoài tổ chức đánh địch. Bọn địch đông hơn nên anh bị bịt hết các hướng rút lui. Biết không thể thoát, Lưu Quý An đợi địch đến gần, dùng quả lựu đạn cuối cùng diệt 3 tên lính Âu - Phi. Bọn chúng điên cuồng tức tối, quét cả một băng đạn tiểu liên vào người anh. Lưu Quý An đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất quê hương khi 13 tuổi.

Lưu Quý An được truy tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhất, được Trung ương Đoàn tặng thẻ đoàn viên danh dự. Tháng năm 1965, đồng chí Trường Chinh về thăm xã Tiền Phong đã khi vào sổ lưu niệm dòng chữ ''Chúng ta rất tự hào về những thành tích kháng chiến của nhân dân xã Tiền Phong anh hùng là Lưu Quý An đúng là một Kim Đồng của tỉnh Vĩnh Phúc''.

Ngày 31 tháng 7 năm 1998, Lưu Quý An được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG NÔNG VĂN DỀN (Liệt sĩ)

Anh hùng Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) sinh năm 1929, dân tộc Tày, tại bản Nà Mạ, xã Trường Hà, huyền Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Khi hy sinh, Kim Đồng là Đội trưởng đội thiếu niên cứu quốc.

Sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi của chiến khu cách mạng, khi còn nhỏ Kim Đồng đã sớm được cán bộ Việt Minh giáo dục, giác ngộ. Anh đã vận động các bạn cùng lứa tuổi trong bản làm nhiệm vụ liên lạc, chuyển công văn, tài liệu, đưa đón cán bộ, trinh sát nắm tình hình địch để cung cấp cho cán bộ. Tháng 5 năm 1941, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đội thiếu niên cứu quốc Kim Đồng là một trong số năm đội viên đầu tiên và được bầu làm đội trưởng Đội thiếu niên cứu quốc. Được rèn luyện, thử thách, Kim Đồng luôn thể hiện trí thông minh, lòng dũng cảm, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Rạng sáng ngày 15 tháng 2 năm 1943, Kim Đồng được giao nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cuộc họp bí mật của Trung ương Đảng. Địch phát hiện và cho một lực lượng khá lớn bao vây hòng bắt sống các đồng chí lãnh đạo của Đảng. Trước tình thế nguy hiểm, Kim Đồng đã mưu trí đánh lạc hướng, lừa địch tập trung lực lượng và hỏa lực về phía mình, đồng thời phát tín hiệu báo cho các đồng chí cán bộ rút lui an toàn. Kim Đồng đã anh dũng hy sinh khi anh vừa tròn 14 tuổi, anh đã nêu tấm gương sáng chói, cho các thế hệ thanh, thiếu niên và mọi người Việt Nam noi theo.

Ngày 23 tháng 9 năm 1997, Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

ANH HÙNG PHẠM NGỌC ĐA (Liệt sĩ)

Anh hùng Phạm Ngọc Đa sinh ngày 20 tháng 12 năm 1938, dân tộc Kinh, quê xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Khi hy sinh, anh làm liên lạc cho đội du kích xã. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, lên 8 tuổi Phạm Ngọc Đa đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, hai chị em phải đi ở cho địa chủ để kiếm sống. Anh đã gia nhập đội thiếu niên, tham gia các phong trào hoạt động của tổ chức, làm liên lạc, trinh sát, nắm tình hình địch và đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Việc nào được giao Phạm Ngọc Đa cũng hăng hái làm tròn. Tháng 8 năm 1953 thực dân Pháp mở cuộc hành quân mang tên Quả chuông, chúng huy động một lực lượng lớn quân Pháp và tay sai càn quét vào các xã của Tiên Lãng, trong đó có xã Bạch Đằng. Do chênh lệch lực lượng, nên sau khi tiêu diệt được một số lính Pháp và ngụy, đội du kích xã phải rút vào hầm bí mật để bảo toàn lực lượng. Phạm Ngọc Đa và các đội viên thiếu niên đã giúp dân sơ tán và ngụy trang các hầm bí mật và rút xuống sau cùng. Một tình huống bất ngờ xảy ra, khẩu súng cối của địch đặt ngay trên nóc hầm của Đa, khi chúng bắn, đất nóc hầm bị lún. Bọn địch phát hiện và bắt anh chỉ chỗ các căn hầm bí mật khác. Nhưng Phạm Ngọc Đa quyết không khai báo dù bị đánh đập rất dã man. Biết không khuất phục được anh, chúng hèn hạ chặt tay, cắt từng khoanh đùi của Đa cho đến khi anh tắt thở. Khí phách kiên cường và sự hy sinh anh dũng của Phạm Ngọc Đa làm xúc động bao thế hệ người dân và thanh thiếu niên Tiên Lãng. Tên tuổi của anh đã đi vào các tác phẩm văn học và qua bài hát mang tên ''Gương sáng Phạm Ngọc Đa''.

Ngày 23 tháng 7 năm 1997 Phạm Ngọc Đa được Nhà nước truy tặng đanh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG NGUYỄN ĐĂNG LÀNH (Liệt sĩ)

Anh hùng Nguyễn Đăng Lành sinh năm 1935, dân tộc Kinh, quê ở xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Khi hy sinh, anh là chiến sĩ liên lạc của đội du kích xã. Năm 13 tuổi , Nguyễn Đăng Lành đã tham gia hoạt động, được ủy ban kháng chiến và đội du kích xã giao làm nhiệm vụ cảnh giới, rải truyền đơn, chuyển công văn, đưa đón cán bộ và trinh sát nắm tình hình của địch. Ngày 30 tháng 8 năm 1949, chỉ huy quân đội Pháp huy động 2 đại đội lính Âu - Phi và lính ngụy bao vây thôn Trần Xá, nhằm tiêu diệt ủy ban kháng chiến xã. Khi phát hiện có địch, Nguyễn Đăng Lành đã phát tín hiệu báo cho cán bộ rút xuống hầm bí mật an toàn. Bọn địch tràn vào thôn lùng sục và bắt được anh. Chúng thay nhau đánh đập tra tấn Nguyễn Đăng Lành trước hàng trăm người dân, hòng làm nhụt chí buộc anh chỉ hầm bí mật. Bị đòn đau, Nguyễn Đăng Lành chết đi sống lại, nhưng một mực không khai báo, quyết giữ bí mật đến cùng để bảo vệ an toàn. Tính mạng cho các đồng chí cán bộ và chỉ huy du kích xã. Địch điên cuồng tra tấn, đánh đập anh đến chết. Nguyễn Đăng Lành hy sinh khi vừa tròn 14 tuổi.

Để ghi nhớ tấm gương hy sinh oanh liệt và ca ngợi khí phách anh hùng của anh, Đảng bộ và nhân dân xã Nam Hưng đã xây đài tưởng niệm Nguyễn Đăng Lành với 6 chữ vàng "Sống gan dạ - chết vẻ vang''. Ngày 23 tháng 7 năm 1997, Nguyễn Đăng Lành được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG DƯƠNG VĂN MẠNH (Liệt sĩ)

Anh hùng Dương Văn Mạnh sinh năm 1930, dân tộc Kinh, quê ở ấp Tây, xã Long Phước, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi hy sinh, anh làm liên lạc trong Đội du kích xã.

Đầu năm 1944, Dương Văn Mạnh theo anh trai lên Sài Gòn học, được giác ngộ và tham gia hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên và làm liên lạc cho một tổ chức bí mật từ Sài Gòn về Bà Rịa. Khi thực dân Pháp đàn áp phong trào học sinh, sinh viên, Dương Văn Mạnh trở về quê tiếp tục hoạt động làm liên lạc cho đội đu kích xã Long Phước. Một lần sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển công văn trở về, Dương Văn Mạnh lọt vào ổ phục kích của hai trung đội lính lê dương. Chúng bắt Dương Văn Mạnh, dụ dỗ anh khai ra tổ chức bí mật. Dương Văn Mạnh một mực không khai. Chúng đánh anh lòi một mắt, nhưng anh vẫn cắn răng chịu đau, không khai báo. Sau 5 ngày tra tấn đánh đập dã man, biết không thể khai thác gì hơn ở Dương Văn Mạnh, bọn địch đem anh đi bắn để uy hiếp tinh thần nhân dân và phong trào cách mạng. Bọn địch trói anh vào gốc cây để bắn. Trước lúc hy sinh, anh đã hô vang ''Giặc Pháp là quân xâm lược, lũ cướp nước'' làm cho bọn lính vô cùng hoảng sợ. Dương Văn Mạnh hy sinh khi vừa 16 tuổi. Tên anh đã được đặt cho trường phổ thông trung học cơ sở ở thị xã Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 23 tháng 7 năm 1997, Dương Văn Mạnh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG LÝ VĂN MƯU (Liệt sĩ)

Anh hùng Lý Văn Mưu sinh năm 1934, dân tộc Tày, quê ở xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Khi hy sinh, anh là chiến sĩ bộ binh, đại đội 675, tiểu đoàn 252, trung đoàn 174, Sư đoàn 316.

Mới 13 tuổi, Lý Văn Mưu đã tham gia công tác ở địa phương. Năm 16 tuổi anh xung phong vào bộ đội. Trận đánh Đông Khê lần thứ nhất (1950), Lý Văn Mưu đã phá tung hàng rào, mở cửa mở, rồi cùng anh em đánh vào trung tâm, diệt thêm ụ súng địch. Trận đánh Đông Khê lần thứ hai (10-1950), khi thê đội 1 bị địch phản kích ác liệt không dứt điểm được, Lý Văn Mưu cùng thê đội 2 vào chiến đấu, bị thương vào tay, anh vẫn không rời trận địa. Khi có lệnh rút, Lý Văn Mưu đã đưa được 20 thương binh, tử sĩ ra ngoài. Sau ngày đêm chuẩn bị, quân ta lại tiếp tục mở đợt tiến công mới. Đại đội Lý Văn Mưu nhận nhiệm vụ chủ công. Anh dẫn đầu một tiểu đội xung kích diệt hết ụ súng này đến ụ súng khác, hết bộc phá, dùng lựu đạn, tiểu liên diệt địch. Địch chống cự quyết liệt đơn vị bị thương vong nhiều, nhưng vẫn chưa giải quyết xong trận đánh. Còn một lô cốt và hầm ngầm địch cố thủ. Người thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba lên đánh bộc phá đều bị thương vong. Lý Văn Mưu xung phong lên đánh, vừa rời khỏi công sự anh đã bị hỏa lực địch bắn ngăn chặn ác liệt. Lý Văn Mưu ôm bộc phá trước bụng vừa chạy vừa giật nụ xòe, địch bắn anh bị thương vào tay, vào chân rồi vào ngực, máu tràn đẫm áo, Lý Văn Mưu cố gượng trườn lên đưa bộc phá vào lỗ châu mai, giật nụ xòe bộc phá nổ làm nổ tiếp những quả bộc phá của anh em bị hy sinh và bị thương để lại. Lý Văn Mưu đã hy sinh anh dũng. Cứ điểm Đông Khê bị diệt, mở đầu chiến dịch giải phóng vùng Biên Giới.

Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Lý Văn Mưu được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG DƯƠNG VĂN NỘI (Liệt sĩ)

Anh hùng Dương Văn Nội sinh năm 1932, dân tộc Kinh, quê ở xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Khi hy sinh, anh là chiến sĩ liên lạc thuộc đại đội 300, quận 4, Hà Nội.

Dương Văn Nội theo bố mẹ lên Hà Nội tìm việc làm, được giác ngộ, anh tham gia cách mạng, làm đội viên đội giao thông liên lạc khu - Thăng Long, Hà Nội. Tháng 3 năm 1947, đơn vị của anh được giao nhiệm vụ chốt tại khu vực chợ Giang Xá, cách Hà Nội 16km, ngăn chặn quân Pháp lấn chiếm ra vùng tự do. Sáng 2 tháng 4 năm 1947, Dương Văn Nội cùng các chiến sĩ trong trung đội phục kích đoàn xe chở quân của địch trên đê sông Đáy thuộc địa phận xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt. Trung Đội Dương Văn Nội đã phá hủy một số xe vận tải quân sự, tiêu diệt 50 tên địch, giải thoát gần 100 đồng bào bị địch bắt và lấy lại được một số tài sản cho nhân dân. Riêng Dương Văn Nội diệt được 3 tên địch. Song do lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, quân Pháp tràn lên bao vây lực lượng của ta. Các chiến sĩ lần lượt rút lui, còn lại một mình anh không chịu để địch bắt, Dương Văn Nội đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh khi mới 15 tuổi.

Đồng chí được truy tặng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì. Thành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội đã đặt giải thưởng mang tên Dương Văn Nội để tặng cho những đội viên có thành tích xuất sắc và học sinh vượt khó trong học tập. Ngày 23 tháng 7 năm 1 997, Dương Văn Nội được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG HOÀNG VĂN THỌ (Liệt sĩ)

Anh hùng Hoàng Văn Thọ sinh năm 1932, dân tộc Tày, quê ở xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Khi hy sinh, anh là đội trưởng đội du kích thiếu nhi trung kiên xã Đại Lịch.

Năm 13 tuổi, Hoàng Văn Thọ làm liên lạc cho xã bộ Việt Minh. Sau 2 năm, Hoàng Văn Thọ trưởng thành nhanh chóng, được giao làm đội trưởng du kích thiếu nhi trung kiên xã Đại Lịch. Đội hoạt động tích cực đưa đón, bảo vệ cán bộ, canh gác. . . trong đó, Hoàng Văn Thọ luôn là nòng cốt. Có đêm một mình, anh luồn rừng 5km, đưa công văn, mệnh lệnh của du kích. Nhiều ngày, Hoàng Văn Thọ ngồi trên cây vải đầu làng để canh gác, theo dõi giặc đi càn kịp báo cho nhân dân sơ tán. Nhiều lần, anh và các bạn cải trang làm trẻ chăn trâu, trẻ bẫy chim, trà trộn vào chỗ có lính địch để săn tin tức. Đặc biệt, Hoàng Văn Thọ đã được tham dự một số trận đánh lớn của du kích xã và lập công xuất sắc. Nổi bật là trận Đèo Cuồng ngày 15 tháng 11 năm 1947, anh dẫn đường cho đoàn phu chuyển gạo về cơ sở an toàn. Đặc biệt là trận phục kích Đèo Din ngày 20 tháng 11 năm 1947, trung đội quân Pháp hành quân từ đồn Đồng Bồ (huyện Văn Chấn) ra đồn Dọc (huyện Trấn Yên) chuẩn bị trận càn lớn vào chiến khu Vần - Hiền Lương. Hoàng Văn Thọ cùng 30 du kích xã chiến đấu, được lệnh, anh giật mìn giết chết 2 tên Pháp và 5 tên ngụy, làm bị thương một số tên khác. Sau đó, anh xông lên tay không cướp súng giặc, diệt giặc và đã anh dũng hy sinh.

Anh được truy tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Ngày 31 tháng 7 năm 1998, Hoàng Văn Thọ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG NGUYỄN MINH TRUNG (Liệt sĩ)

Anh hùng Nguyễn Minh Trung sinh năm 1934, dân tộc Kinh, quê ở xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Khi hy sinh, đồng chí là chiến sĩ trinh sát, công an xung phong, Ty công an Chợ Lớn (nay là Long An).

Nguyễn Minh Trung sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, anh tham gia cách mạng từ khi mới 14 tuổi. Mặc dù ít tuổi, nhưng Nguyễn Minh Trung đã tham gia nhiều trận diệt ác, phá kìm lập chiến công xuất sắc. Ngay từ năm 1948, Nguyễn Minh Trung đã tham gia trận đánh bốt Thanh Hà, trực tiếp diệt tên Quảng Khê chỉ huy bốt. Đặc biệt là trận đánh tiêu diệt tên Võ Tấn Kim (tức Cả Kim) bằng ''khổ nhục kế'', thể hiện sự mưu trí, sáng tạo không quản ngại sự đau đớn, tự hành hạ về thể xác. Cả Kim là tên tay sai đắc lực của thực dân Pháp, ác ôn khét tiếng nhất vùng Yên Mỹ, Bến Lức, Long An. Hắn đã giết, bắt tù đày hơn 200 người vô tội, hãm hiếp đến chết hai phụ nữ. Việc tiêu diệt tên Kim thành yêu cầu bức xúc, tuy nhiên giết hắn không phải việc dễ vì nó rất gian ngoan, xảo quyệt, thường xuyên có lính bảo vệ. Để tiêu diệt hắn, Nguyễn Minh Trung đã phải tự trói hai tay quặt ra sau cho sưng to, dùng gai ôrô cào vào mặt rách nái, rồi đem thân vào đồn Cả Kim nói bị Việt Minh đuổi bắt. Qua nhiều thử thách cuối cùng tên Kim tin là thật và giữ lại trong đồn. Nguyễn Minh Trung chờ thời cơ, đã diệt tên Kim, bảo toàn tính mạng, tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu. Đến tháng 6 năm 1949, trong một trận đụng đầu với giặc, anh đã khéo léo đánh nghi binh, thu hút địch về phía mình để đồng đội rút lui an toàn, trong đó có 2 đồng chí lãnh đạo của tỉnh. Đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Ngày 29 tháng 1 năm 1996, Nguyễn Minh Trung được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG BÙI THU NỘI (Liệt sĩ)

Anh hùng Bùi Thu Nội sinh năm 1982, dân tộc Kinh, quê ở thôn Xa Vĩ, xã Tiên Minh huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Khi hy sinh, Nội là đoàn viên, học sinh lớp 10G, Trường phổ thông trung học Toàn Thắng , huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Ở trường, Bùi Thu Nội là một nữ sinh hiền lành, chăm chỉ, có ý thức trách nh iệm cao, luôn kính thầy, yêu bạn, quý trọng mọi người. Trong học tập, Nội có ý thức vươn lên là học sinh tiên tiến của trường. Trong lao động, Nội rất cần mẫn và gương mẫu, có tinh thần tự lập và vượt khó rất cao. Bùi Thu Nội luôn được các thầy cô, cán bộ trong trường tin yêu, được tập thể học sinh và bè bạn quý mến. Ngày 11 tháng 7 năm 1998, Bùi Thu Nội đã có hành động quả cảm, hy sinh bản thân mình cứu sống bốn em nhỏ (Trần Thị Nga, Đào Thị Hậu, Bùi Thị Ngừng, Vũ Văn Độ) khỏi bị chết đuối tại kênh Đông Khê, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Hành động dũng cảm chấp nhận hy sinh thân mình để cứu bạn của đoàn viên Bùi Thu Nội là một tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo.

Bùi Thu Nội được nhận bằng khen của ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Huy chương Vì sự nghiệp chữ thập đỏ Việt Nam. Ngày 22 tháng 8 năm 1998, Bùi Thu Nội được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

ANH HÙNG TRẦN VĂN CHẨM (Liệt sĩ)

Anh hùng Trần Văn Chẩm sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi hy sinh, anh là đội viên thiếu niên du kích mật xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1961, lãnh đạo huyện Củ Chi chủ trương phải tiêu diệt tên Chủng - một tên ác ôn khét tiếng. Nhiệm vụ này được giao cho đội du kích mật của xã Phước Vĩnh An. Trần Văn Chẩm đã điều tra nắm được tên Chủng hay ra vào quán cà phê hủ tiếu gần đồn vào khoảng 15-16 giờ hàng ngày. Chiều ngày 23 tháng 7 năm 1962, Chẩm giấu súng trong tay áo, cầm đàn ra quán gần đồn Cây Bài, thấy tên Chủng đang uống cà phê, anh đi thẳng đến trước mặt hắn rút súng chĩa thẳng vào đầu vừa lẫy cò vừa tuyên án: ''Chủng, mày có tội, tao giết mày''. Súng nổ, tên Chủng chết tại chỗ, sự việc diễn ra nhanh gọn. Tên Chủng bị trừng trị, nhân dân Phước Vĩnh An và cả Củ Chi vui mừng phấn khởi, bọn tề xung quanh thì hoang mang lo sợ. Địch treo giải thưởng bắt Trần Văn Chẩm. Tên Long, cảnh sát cặp ác ôn với Chủng đã bắt chị của Chẩm đòi anh ra hàng mới thả. Nghe tin, Chẩm quyết định diệt tên Long. Một tháng sau Chẩm về đến đầu xã Phước Vĩnh An, anh rơi vào ổ phục kích của địch, bị chúng bắn gãy chân nên không thoát được. Bọn địch chưa biết Chẩm nên tra hỏi: ''Đi với ai, có tên Chẩm theo không?''. Chẩm dõng dạc trả lời: ''Tụi bay khỏi tìm, tao là Chẩm đây. Thằng Chủng ác ôn, bắt bớ đánh đập dân, hại đồng bào tao giết nó. Thằng nào như thằng Chủng tao cũng giết, chúng mày muốn giết tao cứ giết''. Tên Long nghe tin chạy tới, đưa Trần Văn Chẩm đến nhà một người dân ở xóm Cây Bài, lấy rựa chặt đầu Chẩm, cắm vào cọc đem bêu ở ngã tư Củ Chi còn thân chúng chôn ở gần đồn Cây Bài. Khi đó anh mới 15 tuổi.

Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Trần Văn Chẩm được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG PHẠM THỊ ĐÀO (Liệt sĩ)

Anh hùng Phạm Thị Đào (tức Hoa) sinh năm 1954, dân tộc Kinh, quê ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Khi hy sinh, đồng chí là chiến sĩ bộ đội địa phương huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Phạm Thị Đào xung phong vào bộ đội lúc 14 tuổi. Từ năm 1967 đến năm 1970, chị tham gia trung đội ''Chim én'' gồm các em thiếu niên làm nhiệm vụ theo dõi, diệt trừ những tên tề điệp ác ôn ở địa phương, hỗ trợ tốt cho phong trào đấu tranh của nhân dân. Đặc biệt, ngày 7 tháng 2 năm 1970, Phạm Thị Đào được giao nhiệm vụ diệt một lên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân. Hôm ấy, chị giả trang đứng đón xe tên này đi từ Tam Quan về xã Hoài Thanh tại ngã ba Ngọc An. Khi xe nó dừng lại, Phạm Thị Đào đã nhanh chóng bắn chính xác tiêu diệt ngay tên ác ôn và một tên lính đi bảo vệ. Bọn địch gần đó đã bao vây bắn bị thương và bắt chị. Chúng đánh đập rất dã man, trước sau Phạm Thị Đào chỉ nói ''Tao là con của nhân dân, tao giết chúng mày vì chúng mày đàn áp nhân dân''. Cuối cùng, chúng hèn hạ đem bắn chị. Trước khi chết Phạm Thị Đào hô to ''Hồ Chí Minh muôn năm!'', ''Đảng Lao động Việt Nam muôn năm'', ''Đả đảo đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai''. Khí phách hiên ngang lẫm liệt trước lúc hy sinh của chị đã cổ vũ mạnh mẽ 1.800 đồng bào ở khu đồn Ngọc An, ngay đêm hôm đó nổi dậy diệt bọn tề điệp, phá đồn, trở về làng cũ làm ăn.

Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất. Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Phạm Thị Đào được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN ĐỨC (Liệt sĩ)

Anh hùng Nguyễn Văn Đức sinh năm 1956 dân tộc Kinh, quê ở xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Khi hy sinh, đồng chí là đảng viên, chiến sĩ biệt động thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Năm 13 tuổi, Nguyễn Văn Đức đã tình nguyện tham gia hoạt động cách mạng, trở thành đội viên đội biệt động của thị trấn Trảng Bàng. Đồng chí đã tham gia cùng đội đánh nhiều trận lập chiến công xuất sắc. Trận đánh tại ngã ba Hai Châu, thị trấn Trảng Bàng, Nguyễn Văn Đức đã cùng lực lượng biệt động diệt tại chỗ 6 tên, làm cho bọn lính ở chi khu Trảng Bàng và các đồn bốt xung quanh khiếp sợ, nhân dân phấn khởi, tin tưởng. Ngày 14 tháng 1 năm 1971, Nguyễn Văn Đức cùng lực lượng tổ chức phục kích đánh địch ở chi khu Trảng Bàng, diệt và làm bị thương 14 tên (trong đó có 1 tên sĩ quan ngụy). Bị thiệt hại nặng, địch cho lực lượng lớn chặn đường rút quân của ta. Trước tình thế nguy hiểm, đồng chí đã một mình một mũi nổ súng chiến đấu, thu hút địch về phía mình, tạo điều kiện cho lực lượng của ta rút lui an toàn. Địch tập trung bao vây định bắt sống Nguyễn Văn Đức, chờ khi chúng khép chặt vòng vây đồng chí đã tự rút chốt lựu đạn cho nổ làm một số lính địch bị thương vong và anh dũng hy sinh. Tuy thời gian hoạt động ngắn ngủi nhưng Nguyễn Văn Đức đã để lại trong lòng cán bộ chiến sĩ, lực lượng biệt động và nhân dân huyện Trảng Bàng sự mến phục.

Ngày 11 tháng 6 năm 1999, Nguyễn Văn Đức được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN KIẾN (Liệt sĩ)

Anh hùng Nguyễn Văn Kiến sinh năm 1958, dân tộc Kinh, quê ở xã Thổ Sơn, huyện Châu Thành A (nay thuộc huyện Hòn Đất), tỉnh Kiên Giang. Khi hy sinh, anh là chiến sĩ liên lạc đơn vị quân y huyện Châu Thành A. Tuy mới lên 9 tuổi, Nguyễn Văn Kiến được gia đình gửi vào đơn vị quân y làm liên lạc. Trong nhiệm vụ liên lạc, dù thời gian, hoàn cảnh nào Nguyễn Văn Kiến cũng tìm cách hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, trong 2 trận càn 78 ngày năm 1969 và 132 ngày đêm năm 1971, Nguyễn Văn Kiến vượt qua hiểm nguy đi 120 chuyến liên lạc giữa đơn vị và cơ quan cấp trên an toàn. Ngoài nhiệm vụ liên lạc, Nguyễn Văn Kiến còn tích cực nhặt đạn lép cho du kích chế mìn đánh giặc. Một lần, phát hiện địch đi càn thường chui vào hang để nghỉ, Nguyễn Văn Kiến cùng hai người bạn đem mìn đến chôn trước và ngụy trang cẩn thận. Đúng như dự kiến, địch vừa đến hang, Nguyễn Văn Kiến chập điện, mìn nổ, 3 người xông ra nổ súng diệt thêm một số tên. Kết quả tổ chiến đấu của anh đã loại khỏi vòng chiến đấu 1 trung đội địch. Sau đó trở về an toàn. Ngày 13 tháng 5 năm 1971, địch tấn công lên đồi Hòn Đất, trong lúc có một đơn vị chủ lực vừa đến trú quân, do không thạo địa hình nên định hành quân tránh địch. Nghe tin, Nguyễn Văn Kiến gặp chỉ huy đơn vị nói: ''Nếu các anh không đánh địch vào được hang thì các anh chết hết''. Nói xong, một mình một súng Nguyễn Văn Kiến lao ra bắn vào đội hình địch. Địch phản công quyết liệt, bộ đội ta tổ chức chiến đấu chi viện. Địch cho pháo bắn, dùng M79 bắn lên, Nguyễn Văn Kiến đã trúng đạn hy sinh anh dũng lúc 14 tuổi.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Nguyễn Văn Kiến được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân.

ANH HÙNG TRẦN HOÀNG NA (Liệt sĩ)

Anh hùng Trần Hoàng Na sinh năm 1949, dân tộc Kinh, quê ở xã An Bình, thành phố Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ. Khi hy sinh, anh mới tròn 15 tuổi.

Đầu năm 1962, Hoàng Na tham gia đánh bọn ác ôn sở cầu Rạch Ngỗng thu 1 súng. Có lần đi công tác cùng đồng chí Tư Thái (bí thư thị ủy) đụng phải biệt kích, địch nổ súng, Hoàng Na bình tĩnh nhanh chóng ném 1 quả lựu đạn vào bọn địch làm 4 tên chết và bị thương, bảo vệ an toàn cho đồng chí Tư Thái và một cán bộ khác. Tháng 6 năm 1963, Hoàng Na khéo léo vào được nhà hàng Tân Cảnh (bến Ninh Kiều) nơi thường ngày bọn Mỹ ăn nhậu, bằng 1 quả lựu đạn, anh đã diệt 2 tên Mỹ và làm bị thương 4 tên khác. Đầu năm 1964, Hoàng Na tham gia diệt bọn ác ôn cảnh sát, thu 1 súng và đạn. Tháng 8 năm 1964 địch huy động gần 300 quân, chia thành 4 mũi càn vào căn cứ thị xã Cái Da. Lúc này, Hoàng Na đang học chính trị tại cứ, địch bao vây chặt không còn lối thoát. Trước tình thế ấy, Hoàng Na yêu cầu đồng đội rút xuống hầm bí mật, còn mình cùng một đồng chí khác nghi binh kéo địch sang hướng khác. Địch đuổi theo, Hoàng Na ném lựu đạn làm nhiều tên chết và bị thương. Địch tiếp tục bao vây chặt hơn, Hoàng Na ném tiếp 2 quả lựu đạn. Địch bắn xối xả, Hoàng Na hô to: ''Hồ Chí Minh muôn năm'' và anh dũng hy sinh khi anh vừa tròn 15 tuổi. Trận này Hoàng Na đã diệt 6 tên địch, bảo vệ được đồng đội và các đồng chí lãnh đạo.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Trần Hoàng Na được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG PHẠM VĂN NGŨ (Liệt sĩ)

Anh hùng Phạm Văn Ngũ sinh năm 1954, dân tộc Kinh, quê ở xã An Thạnh, huyện Bến Lức tỉnh Long An. Khi hy sinh, anh là chiến sĩ trinh sát mật, huyện đội Bến Lức, tỉnh Long An.

Tham gia cách mạng từ khi 13 tuổi, Phạm Văn Ngũ được tổ chức tin tưởng, giao cho nhiệm vụ liên lạc và trinh sát mật, hoạt động trên các địa bàn trọng điểm của chiến trường huyện Bến Lức. Lợi dụng tuổi còn nhỏ, địch không để ý và với trí thông minh, lòng dũng cảm của mình, anh đã thường xuyên tiếp cận, theo dõi, nắm bắt tình hình của địch để cung cấp tin tức cho ban chỉ huy huyện đội. Nhờ nắm bắt được thông tin, huyện đội có những phương án đánh địch đạt hiệu suất chiến đấu cao. Phạm Văn Ngũ còn trực tiếp gài trái nổ, đặt mìn tự tạo tiêu diệt được nhiều tên địch, trong đó có một số tên ác ôn khét tiếng như tên trưởng ấp ở Gò Đen. Nhiều trận, anh táo bạo, mưu trí, gây cho địch tổn thất nặng. Chúng hết sức hoang mang trước cách đánh bất ngờ của anh, chính anh đề xuất và xin cấp trên thực thi. Trong trận càn quét của địch vào vùng căn cứ của lực lượng vũ trang huyện tại xã An Thạnh cuối năm 1970, Phạm Văn Ngũ đã hy sinh. Cuộc đời chiến đấu của Phạm Văn Ngũ tuy ngắn ngủi nhưng anh đã lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu: diệt 22 tên địch (trong đó có 5 tên Mỹ và 3 tên ác ôn khét tiếng), hoàn thành tốt công tác giao liên, trinh sát. Anh hy sinh ở tuổi 16 tràn đầy sức sống tươi trẻ, để lại sự tiếc thương của người dân Bến Lức. Chiến công của anh góp phần vào trang sử vẻ vang của quê hương yêu dấu. Anh đã được bầu là Chiến sĩ thi đua của Quân khu. Ngày 28 tháng 4 năm 2000, Phạm Văn Ngũ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG HỒ VĂN NHÁNH (Liệt sĩ)

Anh hùng Hồ Văn Nhánh sinh năm 1955, dân tộc Kinh, quê ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Khi hy sinh, anh là đoàn viên, du kích xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Tháng 12 năm 1968, Hồ Văn Nhánh tham gia du kích mật khi mới 13 tuổi. Từ đó đến ngày 15 tháng 9 năm 1969, anh phục vụ bộ đội đánh Mỹ ở căn cứ lớn Đồng Tâm. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng sớm có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, Hồ Văn Nhánh đã kiên quyết vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều lần, Nhánh bò vào khu vực hàng rào căn cứ Đồng Tâm khéo léo gỡ được hơn 4.000 quả mìn các loại của địch làm vũ khí dự trữ để đánh địch. Hồ Văn Nhánh phục vụ bộ đội chiến đấu 30 trận. Tháng 1 năm 1969, địch đánh phá vào kiểm soát chặt chẽ khắp nơi làm việc tiếp tế vũ khí cho bộ đội gặp nhiều khó khăn. Thấy đơn vị đóng quân trong xã Long Hưng thiếu mìn đánh địch, Hồ Văn Nhánh đã táo bạo bò vào hàng rào căn cứ Đồng Tâm đào 1 quả mìn phóng đem về cho bộ đội, sau đó hàng ngày, Nhánh cải trang làm trẻ chăn trâu vào gỡ được hàng chục quả khác. Kinh nghiệm gỡ mìn của Hồ Văn Nhánh trở thành phổ biến trong 6 xã vành đai Bình Đức (vành đai diệt Mỹ nổi tiếng ở tỉnh Mỹ Tho cũ). Trưa ngày 15 tháng 9 năm 1969, Hồ Văn Nhánh đã anh dũng hy sinh giữa tuổi 14 khi đang gỡ mìn trong hàng rào căn cứ Đồng Tâm. Tấm gương mưu trí dũng cảm và sự hy sinh cao đẹp của Hồ Văn Nhánh được du kích và chi đoàn thanh niên xã ghi nhận và làm lễ truy nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng. Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất.

Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Hồ Văn Nhánh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Nguồn tin: Tư liệu truyền thống

Hãy chia sẻ với người thân và bạn bè của bạn


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động HVT10

  • Kiểm tra học kỳ 1 - Năm học 2015 - 2016
  • Thông báo số 6
  • Thông báo số 5
  • Thông báo số 4
  • Thông báo số 3
  • Thông báo số 2
  • Thông báo số 1
  • Lịch kiểm tra học kỳ 2
  • Đại Hội Cháu Ngoan Bác Hồ Năm 2015
  • Kỷ niệm 8/3 và khởi nghĩa Hai Bà Trưng
  • Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam
  • Quà xuân 2015
  • Tham dự hoạt động cấp thành
  • Tham dự hoạt động cấp Quận
  • Hội trại truyền thống 9/1
  • Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam
  • Bản tin phát thanh số thứ 5
  • Liên hoan
  • ​13 tuổi thay mẹ nuôi em
  • Quá trình hình thành và phát triển