Theo tiết lộ từ Đoàn thanh tra liên ngành, sau nhiều cuộc thanh tra đã được tiến hành tại nhiềuDN, từ nước ngoài , trong nước đến các công ty kinh doanh máy tính, đa phần đều phát hiện các hành vi xâm phạm bản quyền với các mức độ vi phạm khác nhau. Đáng chú ý, để lách luật một số DN nước ngoài chỉ mua một số lượng phần mềm có bản quyền rất ít để lách luật.
Đơn cử, trong cuộc kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Đài Loan là công ty TNHH Công nghệ Y tế Perfect Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, đoàn Thanh tra liên ngành đã phát hiện số lượng lớn phần mềm vi phạm trị giá hàng tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng vừa phát hiện thêm một DN lớn trong lĩnh vực sản xuất, gia công dụng cụ y tế cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu vẫn cố tình trốn tránh việc mua bản quyền phần mềm .
Về vấn đề này, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao Du lịch, ông Phạm Xuân Phúc cho rằng, nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài 100% hiểu rất rõ về luật Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn cố tình vi phạm, vì mục đích tăng cao lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo các luật sư Sở hữu trí tuệ, không chỉ hành lang pháp lý xử phạt của Việt Nam đối với hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ phần mềm máy tính ngày càng nghiêm khắc, thì các DN xuất khẩu vi phạm sẽ phải đối mặt với các hình phạt rất nặng nề khi 36 bang của Mỹ đã áp dụng Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA). Bộ luật này yêu cầu tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu trên thế giới phải sử dụng phần cứng, phần mềm hợp pháp, có bản quyền trong mọi hoạt động sản xuất, thương mại. Lý do là việc một DN sử dụng phần mềm không có bản quyền hợp pháp sẽ đạt được lợi thế về giá, từ đó sẽ tạo ra thiếu bình đẳng đối với những đối thủ cạnh tranh đang sử dụng sản phẩm CNTT có bản quyền.
Luật sư Trần Mạnh Hùng, Công ty Tư vấn Luật Baker McKenzie phân tích thêm, các DN sẽ bị chính những đối thủ có mặt hàng cạnh tranh có trụ sở ở bất kỳ nơi nào trên thế giới hoặc Chưởng lý (người phụ trách vấn đề pháp lý) của các bang khởi kiện. Và nếu không thể chứng minh được mình sử dụng phần mềm, phần cứng hợp pháp, hoặc không chấm dứt việc sử dụng CNTT trái pháp luật trong vòng 90 ngày sau khi nhận được thông báo thì có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại, bị tịch thu hàng hóa và quan trọng hơn là xếp trong "danh sách đen" bị cấm vào thị trường Mỹ.
Trước đó, Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam phải đền bù hơn 1 tỷ đồng và công khai xin lỗi Microsoft và Lạc Việt do xâm phạm bản quyền phần mềm của hai doanh nghiệp phần mềm này vào cuối năm 2013.
Phạm Thanh
tiết lộ, thanh tra, tiến hành, công ty, kinh doanh, máy tính, phát hiện, hành vi, xâm phạm, bản quyền, mức độ, vi phạm, chú ý, số lượng, kiểm tra, đột xuất, doanh nghiệp, công nghệ, y tế, chí minh, trị giá
Ý kiến bạn đọc