GS.TSKH Trần Hữu Phát, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và hiện nay là Chủ tịch Hội đồng KH-CN và Đào tạo Viện NLNTVN đã bày tỏ quan điểm của mình với Đất Việt khi hay tin giãn tiến độ khởi công xây dựng hai nhà máy ĐHN Ninh Thuận để trình Quốc hội vào tháng 10/2014.
Giãn tiến độ để bổ sung an toàn
Báo cáo Ủy ban Khoa học- công nghệ và môi trường Quốc hội vừa qua tại chuyến khảo sát thực địa hai địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, đại diện Bộ Công thương cho biết sẽ giãn tiến độ xây dựng hai nhà máy này.
Nguyên nhân được Bộ Công thương đưa ra là do trong thời gian thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, có phát sinh nhiều vấn đề, yêu cầu cần bổ sung về an toàn, nhất là sau sự cố Fukushima tại Nhật Bản.
"Từ sau sự cố này, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát các biện pháp an toàn, yêu cầu tư vấn đưa ra phương án thiết kế an toàn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu số một khi xây dựng là phải đảm bảo an toàn cao nhất. Các yếu tố này là nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian lập dự án đầu tư thêm khoảng hai năm", Bộ công thương báo cáo.
Không chỉ giãn tiến độ mà việc thiết kế cũng được thay đổi để đảm bảo an toàn. Có nghĩa là đơn vị tư vấn đã thay đổi từ độ cao từ 7m so mặt nước biển lên 12 m đối với Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 15m đối với Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2; đồng thời dịch chuyển vị trí xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 theo hướng tây nam 300m.
Lùi tới năm 2030?
GS.TSKH Trần Hữu Phát cho rằng, vấn đề phát sinh ở đây lớn nhất vẫn là khâu chuẩn bị nhân lực và đảm bảo an toàn. Những vấn đề này đã từng được các chuyên gia cảnh báo từ khi bắt đầu triển khai dự án. Thế nhưng kể từ đó đến nay việc chuẩn bị và triển khai vẫn chưa được như mong muốn.
Theo GS Phát, cũng liên quan đến vấn đề nhân lực hiện Việt Nam còn thiếu đội ngũ chuyên gia thẩm định một cách đầy đủ về các vấn đề phía đối tác đưa ra.
Thêm nữa cái gốc đảm bảo an toàn ĐHN là một bộ luật phải chặt chẽ, đầy đủ, khả thi, nhưng khâu này chúng ta làm vẫn chưa đâu vào đâu. Rồi đến các văn bản dưới luật cũng chưa biết đến bao giờ mới ra.
"Muốn làm được luật và văn bản dưới luật thì cần phải có người am hiểu. Cho nên riêng vấn đề pháp lý để thực hiện nghiêm chỉnh như các nước tiên tiến thì đòi hỏi phải có thời gian. Hiện nay chúng ta chưa làm nổi", GS Phát nói.
Lý giải tình trạng này, GS Phát cho rằng chính là yếu tố con người. "Hiện Cục an toàn bức xạ và hạt nhân đang phải chịu trách nhiệm về việc soạn thảo và ban hành các văn bản pháp lý. Thế nhưng cơ quan này lại yếu cả về kiến thức còn kinh nghiệm là số không. Do vậy làm sao có thể đảm đương trong khi với hạt nhân kinh nghiệm là rất quan trọng".
Cho rằng lùi thời điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân là cần thiết, TS Phát còn nói đáng ra phải lùi đến năm 2030 mới hoàn thành nhà máy ĐHN đầu tiên chứ không phải là 2024.
Cũng bày tỏ sự vui mừng khi biết chắc chắn lùi thời điểm xây dựng nhà máy ĐHN, GS Cao Chi nghiên cứu viên cao cấp Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cũng nói với Đất Việt rằng: “Vậy là chúng ta sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị những gì còn khiếm khuyết. Hiện nay nhân lực cho ĐHN vẫn còn yếu kém lắm. Nếu chậm lại ta sẽ có thời gian để chu đáo hơn trong công tác chuẩn bị nhân lực, có thời gian đào tạo thêm, chắc chắn thì mới làm”.
Theo Đất Việt
phát nguyên, năng lượng, nguyên tử, hiện nay, chủ tịch, hội đồng, đào tạo, bày tỏ, quan điểm, tiến độ, khởi công, xây dựng, nhà máy, ninh thuận, quốc hội, bổ sung, ủy ban, khoa học, công nghệ, môi trường, khảo sát
Ý kiến bạn đọc