Nếu như so sánh về kinh phí, nhiều người lấy dẫn chứng từ nền điện ảnh Iran. Với một bộ phim chi phí họ bỏ ra trung bình là 200- 300 ngàn đô la là đủ sức chinh phuc khán giả, giành vô vàn giải thưởng quốc tế (có năm giành tới 50 giải thưởng ) trong khi không ít phim Việt Nam kinh phí đã lên tới triệu đô, mà lại rơi vào cảnh lặng lẽ ra mắt, lặng lẽ cất kho. Cũng bàn thêm về vấn đề máy móc thiết bị của Ta so với Tây thế nào thì trường hợp Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải) là một dẫn chứng sinh động. Ngay khi phim ra mắt rất nhiều người khen sao cảnh phim đẹp thế, chắc là do máy quay của nước ngoài đem vào. Kỳ thực, bộ phim do nữ quay phim người Úc thực hiện, cô sang Việt Nam tay không bởi qua khảo sát cô thấy máy quay và đèn ởhãng phim đầy đủ. Và vì thế những thước phim long lanh vẫn ở lại mãi cùng Chuyện của Pao.
Khi phim không tới được với khán giả, nhiều người quay ra cho rằng do yếu kém ở khâu quảng bá. Điều này không phải là không có lý là bởi trong khi các hãng phim tư nhân chạy đôn chạy đáo với đủ chiêu hút khách, thậm chí cả tạo scandal thì nhiều phim của nhà nước lại im ắng, hoặc khi làm xong có liên kết với tư nhân BHD, Galaxy, phát hành với tâm lý được đồng nào thì mang về đồng đó mà thôi. Tuy nhiên, lỗi không hẳn nằm ở khâu quảng bá, vì nếu một bộ phim dở thì càng quảng cáo càng chỉ càng thất bại, đạo diễn Quang Dũng đã khẳng định “muốn PR cho tốt thì phim của bạn phải có yếu tố hấp dẫn như kịch bản, diễn viên, … Hơn nữa, khán giả bây giờ họ rất tinh ý, họ sẽ cảm nhận được phim nào là phim mình cần xem. Vì vậy, nếu bạn có bỏ một khoản tiền thật lớn ra để PR trong khi phim không có gì thì khán giả cũng không quan tâm”.
Trở lại vấn đề khâu kịch bản, ngay từ đầu rất nhiều bộ phim đã bị chỉ trích, nhưng phim “đạt được yêu cầu là hoàn thành đúng ngày kỷ niệm”, nên cứ đến ngày đem chiếu là xong và hầu như ít quan tâm đến chất lượng. Khán giả là người quá hiểu, vì họ là người cuối cùng của chu kỳ sản xuất bộ phim đã không ngần ngại lên tiếng, dù chi tiết nhỏ nhất: “Oái, nhìn hình đăng của phim Sống cùng lịch sử mà muốn hoảng, cảnh thời chiến dịch Điện Biên Phủ mà hai diễn viên lại mặc đồ mới toanh, lẽ ra phải mượn 2 bộ đồ cũ, hoặc “cũ hóa” 2 bộ đồ mới này bằng các thủ thuật đơn giản hư vò, chà, xát đất bùn... thì 2 diễn viên trong hình trông mới “thật” được. Vụng như vậy làm sao mà xứng với 21 tỉ kinh phí được nhỉ? Lỗi sơ đẳng!...” - độc giả bachtuyetvh@... nói
Thuyết phục người xem cũng chính là cách tự điều chỉnh mình, nói như nhà văn Nguyễn Quang Vinh thì: “Chúng ta kinh phí không nhiều thì nên đi theo hướng của Iran, họ biết sức yếu kinh tế không có, họ đi vào những lát cắt thân phận cực kỳ đau đớn, sâu sát của đất nước họ. Chỉ làm về một thân phận, làm thật kỹ, thật ám ảnh…chắc chắn ra thế giới sẽ rất có ý nghĩa, sẽ được đón nhận”.
Xin mượn một ý trong bài viết cách đây 2 năm đạo diễn Đặng Nhật Minh gửi tới báo Dân trí khi đặt câu hỏi: Tại sao trong điện ảnh nhà nước chi tiêu rất nhiều mà không hiệu quả, để kết thúc bài viết này, ông đã đưa ra những gợi ý rất xác đáng rằng: “Trong kinh phí đặt hàng làm phim của nhà nước cần có khoản tiếp thị đối với phim do Nhà nước đặt hàng cũng như khoản tiền để sản xuất đĩa DVD để khai thác sau khi phim đã chiếu ở rạp ( khoản này nhà nước nên học tập các nhà sản xuất phim tư nhân)”. Đặc biệt ông cũng đã cho rằng, để tốt hơn “Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cần sớm tổ chức một cuộc Tổng kết về việc nhà nước đặt hàng làm phim trong vòng 10 năm trở lại đây (tổng kết về nghệ thuật, về tài chính, về sản xuất… ) với sự tham dự của cả các nghệ sỹ và những người tổ chức sản xuất, đại diện Bộ, Cục và các cơ quan hữu quan” .
“Nếu cứ để việc nhà nước đặt hàng làm phim như hiện nay thì có đổ thêm bao nhiêu tiền của cũng vô ích, chỉ có lợi cho khâu trung gian. Kết cục chúng ta vẫn không có những tác phẩm xứng đáng với sự mong đợi của khán giả, xứng đáng với đồng tiền mà Nhà nước bỏ ra”, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã báo động như vậy trong bài viết cách đây 2 năm nhưng dường như vẫn nguyên đấy và câu chuyện Sống cùng lịch sử hôm nay là một hệ quả tất yếu.
Hoàng Vân
phản hồi, chú ý, độc giả, hiện tượng, lịch sử, so sánh, kinh phí, dẫn chứng, chi phí, trung bình, khán giả, giải thưởng, quốc tế, trong khi, triệu đô, mà lại, lặng lẽ, ra mắt, vấn đề, máy móc, thiết bị
Ý kiến bạn đọc