Khi nghệ sĩ xiếc biểu diễn những tiết mục của mình, mọi ánh mắt ngưỡng mộ lẫn khâm phục đều đổ dồn vào từng động tác của người nghệ sĩ ấy - đó chính là món quà khán giả đã dành tặng cho các nghệ sĩ xiếc và những tràng pháo tay chính là nguồn động viên tinh thần lớn nhất.

Chị Ngô Thị Tuyết Hoàn trong căn phòng của mình
Nhưng ít có ai nghĩ rằng, đằng sau những động tác tưởng chừng như đơn giản đó là cả một chuỗi ngày tập luyện gian khó, đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là đánh đổi cả một phần cơ thể của mình. Nhưng những khó khăn đó cũng không dập tắt được tình yêu nghề luôn khát khao cháy bỏng trong mỗi con người ở các nghệ sĩ xiếc. Và nghệ sĩ xiếc Ngô Thị Tuyết Hoàn - Phó trưởng đoàn xiếc 2 - Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cũng là một trong những nghệ sĩ luôn vươn lên vì tình yêu nghề Xiếc, mặc kệ cho những đau đớn của cơ thể vẫn từng phút giày vò chị.
Ngô Thị Tuyết Hoàn là một nghệ sĩ thành công ở tuổi đời khá trẻ, khi mới kết hôn được vài tháng, trong quá trình tập luyện một chương trình mới để ra mắt công chúng thì chị bị tai nạn thương tâm. Vụ tai nạn đó tuy không cướp đi sinh mạng của chị nhưng lại cướp đi đôi chân lành lặn mà tạo hóa và bố mẹ đã ban cho chị. Vụ tai nạn vô tình tưởng chừng như cướp đi mọi ước mơ và những hoài bão của một người trẻ tuổi như chị nhưng bằng tình yêu thương, san sẻ, động viên của người chồng mới cưới, của bạn bè đồng nghiệp chị Hoàn đã gạt nước mắt đứng lên. Bỏ qua nỗi đau bị liệt nửa người, chị tấp tểnh cho những bước đi đầu tiên không bằng đôi chân của chính mình. Những khó khăn phía trước, người nghệ sĩ 37 tuổi này với 20 năm trong nghề đã có những huy chương thành công, được khen tặng đã bắt đầu lại tình yêu, đam mê nghề Xiếc của mình bằng một... chiếc xe lăn.
Gặp chị trong một buổi chiều Thu, chị kể cho chúng tôi nghe về những ước mơ và tai nạn thương tâm của chị nhưng lại gần như là thường thấy ở các nghệ sĩ đi theo ngành xiếc. Chị cho rằng, đam mê nào cũng cần đánh đổi, nhưng có lẽ đánh đổi bằng cả cuộc đời của mình thì ít có người nào đủ dũng cảm để xóa bỏ đi điều đó để thực hiện tới cùng những đam mê.

Những khó khăn không làm chị rời bỏ đam mê của chính mình
Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống về nghệ thuật, lại càng không có ai theo ngành xiếc nhưng cô gái Ngô Thị Tuyết Hoàn đã bị "bén duyên" từ hồi nhỏ khi trốn bố mẹ đi xem xiếc đu dây ở gần nhà. Nhìn những nghệ sĩ cứ nhào lộn trên không trung, mang theo cả ước mơ, cả khát vọng và cả sự ngưỡng mộ của cô bé chỉ có vài tuổi đó. Là một cô gái dân tộcMường sống ở vùng cao, không được tiếp xúc đủ đầy với những đồ nghề phục vụ cho ước mơ của mình. Chị Hoàn chỉ biết tập luyện bằng trí nhớ non nớt của một cô bé 7- 8 tuổi khi được rảnh rang một chút thời gian khi xong việc nhà. Chị tập luyện bằng những đồ vật kiếm được như cái chai nhựa, quả bưởi hay những chiếc dây thừng được vắt ngang qua thân cây. Năm 11 tuổi, chị một mình trốn bố mẹ xuống Hà Nội để đăng ký thi thử khi nghe tin trường Xiếc tuyển sinh. Có lẽ ông trời đã "vận" vào người chị cái "nghiệp" của ngành xiếc, nên bằng nỗ lực của mình chị đã được trúng tuyển ngay kỳ thi năm đó.
Quá bất ngờ với thành công bước đầu của mình, chị vừa đăng ký theo học, vừa vất vả kiếm sống để trang trải cuộc sống của mình. Lúc đó, chị đã thú nhận với bố mẹ những đam mê của mình và khát khao được đứng trên sân khấu biểu diễn trước hàng vạn người. Sau nhiều lần thuyết phục, bố mẹ chị cũng đã đồng ý cho chị theo nghề nhưng với điều kiện chị phải tự lo được cuộc sống của chính bản thân mình. Những khó khăn bước đầu cũng không làm chị nản chí, chị dần dần học được những kỹ thuật điêu luyện, khó khăn ở mỗi bài biểu diễn. Và thành công nối tiếp thành công, khi những huy chương, những tràng pháo tay cũng như phần biểu diễn của mình luôn được kỳ vọng và trông đợi nhất hàng đêm đã được chị phát huy tối đa khả năng của mình để hoàn thành, để cống hiến. Là học sinh khóa 11 năm học 1989 - 1994 Trường Xiếc Việt Nam, Tuyết Hoàn tốt nghiệp loại ưu và được nhận về công tác tại LĐXVN từ đó cho tới nay. Với 36 tuổi đời và gần 20 năm tuổi nghề, Tuyết Hoàn đã tham gia vào rất nhiều chương trình biểu diễn tiêu điểm của LĐXVN ở nhiều thể loại, nhiều tiết mục nghệ thuật xiếc khác nhau tại các buổi biểu diễn ở trong và ngoài nước. Đỉnh cao nhất là chị đã đạt được Huy chương vàng liên hoan Xiếc toàn quốc lần thứ 3 năm 1995.
Niềm vui tưởng chừng cứ thế được nâng lên, khi đến năm 2013 cô gái Tuyết Hoàn đã kết hôn cùng đồng nghiệp của mình là Nguyễn Đức Tài sau... 10 năm quen biết và tìm hiểu. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, chỉ ba tháng sau, trong một lần luyện tập đu dây võng đôi cùng chồng của mình, Tuyết Hoàn đã gặp tai nạn và bị rơi tự do ở khoảng cách khá cao xuống đất. Vụ tai nạn đó tuy không cướp đi mạng sống của chị nhưng đã cướp đi đôi chân lành lặn của chị. Từ khi đó với chấn thương nặng, Tuyết Hoàn đã không còn phản xạ và không có cảm giác gì ở dưới chân. Ước mơ với nghề đã vỡ vụn, có những lúc tưởng chừng chị có thể chết đi để không còn đặt gánh nặng lên vai người chồng mới cưới, không còn những giọt nước mắt nuối tiếc với nghề, không còn bắt gặp những cái nhìn thương hại về phía chị và càng không muốn đối diện những tiếng xì xào bàn tán, cái chép miệng đầy thương tâm vì thiệt thòi.
Nhưng Tuyết Hoàn đã nghĩ, dù đau khổ và mệt mỏi cách mấy cũng không bằng nỗi đau của người chồng mình. Với tình yêu của chồng, chị đã gắng gượng bước qua dưới sự giúp sức của anh. Thương vợ, chia sẻ với nỗi đau của vợ khi chật vật sống trong ngôi nhà tập thể 15m2, anh Tài đã mày mò mua nguyên vật liệu về để tạo những đường dây cho chị Hoàn tập luyện đôi chân, tạo ra những chiếc thang từ chiếc dây cho chị Hoàn tự có thể làm sinh hoạt cá nhân khi anh vắng nhà hay có buổi biểu diễn về muộn.

Chị Tuyết Hoàn đang truyền lại những đam mê, khát khao với nghề của mình cho lớp đàn em
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hoàn cho biết: Cả hai vợ chồng đang cố gắng, chật vật với đồng lương hơn 3 triệu của anh Tài trong mọi sinh hoạt của cả hai. Mới đây, chị được Liên đoàn Xiếc Việt Nam tạo điều kiện cho chị Hoàn làm công tác giảng dạy cho lớp diễn viên trẻ tại liên hoàn, vừa để chị thực hiện ước mơ còn dang dở khi tiếp tục truyền thụ những kinh nghiệm của mình cho lớp trẻ. Vừa có đồng ra đồng vào để chăm sóc đôi chân bị liệt tủy cứ "trái gió, trở trời" lại trở nên đau nhức và tê buốt. Trong cuộc nói chuyện, chị Hoàn cũng cho biết, chị không phải là trường hợp duy nhất bị tai nạn thương tâm, mà còn có rất nhiều trường hợp khác bị gãy cổ, gãy tay, cưa chận, thậm chí còn bị chấn thương sọ não nằm liệt giường vĩnh viễn. Nhưng những điều đó, không làm cho những con người có đam mê như chị rụt rè, trái lại nó càng làm tăng sự yêu thích cũng như đam mê, thực hiện ước mơ của mình nhiều hơn mỗi lần đứng trên sân khấu.
Chị Hoàn đã cho rằng: "Với các nghệ sĩ xiếc, mọi vinh quang, mọi huy chương đều được đánh đổi, thậm chí cả mạng sống nhưng không phải vì thế mà tất cả mọi người đều quay lưng lại với nghề, đều rũ bỏ những ước mơ của chính mình. Dù đã bị liệt, nhưng với niềm đam mê thì mình vẫn muốn đứng lên, góp một phần sức mình vào nghệ thuật, vào sự thành công của liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đưa ước mơ của mình truyền cho đam mê của đàn em lớp dưới, đó là khao khát cả đời của chị để chị được cống hiến và hết lòng với nghệ thuật mà mình đã dâng tặng".
Chia tay vợ chồng chị, chúng tôi mang về một nỗi niềm đau đáu của các nghệ sĩ xiếc, nặng nhọc với nghề, nguy hiểm với nghề bằng những giọt mồ hôi, bằng nước mắt, bằng những tai nạn thương tâm nhưng để có được những tràng pháo tay của khán giả. Nhưng ít ai biết được, đằng sau sân khấu cánh gà là cả một niềm đau đáu với nghệ thuật, một niềm mong mỏi được cống hiến và được "đối xử công bằng" trong một một nghệ thuật có sự nguy hiểm cao như môn nghệ thuật Xiếc này.
Theo Duy Anh
Một Thế Giới
Xem thêm :hà nội, sân khấu, nghệ thuật, huy chương, đam mê, vùng cao, liên hoàn, mường, thực hiện ước mơ, tai nạn thương tâm, tàn tật nghệ sĩ xiếc tuyết hoàn, Tuyết Hoàn,
Ý kiến bạn đọc